1. Dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 có tổng cộng 25 gói thầu xây lắp, trong đó có 24 liên danh nhà thầu và 1 nhà thầu độc lập. Được áp dụng theo hình thức chỉ định thầu.
2. Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 có tổng chiều dài hơn 720km, được chia thành 12 dự thành phần, tổng mức đầu tư gần 147.000 tỷ đồng, từ vốn ngân sách nhà nước, bình quân mỗi cây số trên con đường này là hơn 200 tỷ đồng.
3. Theo danh sách được CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) thống kê từ Bộ GTVT, duy nhất chỉ có Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn là nhà thầu độc lập tại gói thầu 11-XL đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn trị giá 3.028 tỷ đồng. Ngoài ra, các gói thầu được nhận thầu bởi các liên danh. Trường Sơn cũng từng là một thành viên liên danh thi công tại gói thầu số 2, dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
4. CTCP Hải Đăng là đơn vị tham gia ở nhiều gói thầu nhất với việc nằm trong các liên danh thực hiện tại 6 gói thầu trị giá 27.500 tỷ đồng (gói 12XL Quy Nhơn - Chí Thạnh; Xl-02 Chí Thạnh - Vân Phong; XL01, XL02 Vân Phong - Nha Trang; XL01, XL02 Hậu Giang - Cà Mau). Đây cũng là nhà thầu ruột của tỉnh Tây Ninh khi tham gia vào nhiều công trình trọng yếu của tỉnh.
5. CTCP Tập đoàn CIENCO4 (Mã: C4G) tham gia thực hiện hai gói thầu, tổng trị giá 11.195 tỷ đồng; Tổng công ty Thăng Long - CTCP (Mã: TTL) cũng tham gia thực hiện hai gói thầu với giá trị 10.634 tỷ đồng và CTCP Sông Đà (Mã: SDT) tham gia thực hiện một gói thầu có giá trị 3.690 tỷ đồng. Điểm chung là ba công ty này từng là liên danh tại gói thầu số 4 tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
6. Trong các liên danh được chọn, duy nhất chỉ có Dự án tại Hàm Nghi - Vũng Áng là dự án có liên danh khá “đặc biệt” của ba công ty: Công ty TNHH xây dựng Tự Lập, Công ty cổ phần 471, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường. Khi cả 3 nhà thầu tại dự án này đều từng có quá khứ bị “hạnh kiểm kém”. Cụ thể:
Tại dự án Đường sơ tán dân thuộc các huyện Cẩm Khê, Yên Lập, Thanh Sơn, nhà thầu Tự Lập từng hưởng giá trị chênh lệch là 1,121 tỷ đồng, do áp dụng định mức không đúng quy định giữa thi công bằng máy và thủ công. Doanh nghiệp thi công chậm tiến độ 3 năm với chỉ đạo của Thủ tướng.
Năm 2019, Công ty cổ phần 471 là nhà thầu vướng lùm xùm vừa mới làm xong dự án đường 250 tỷ đã hư hỏng ở Gia Lai, không chỉ vậy, Công ty cổ phần 471 còn từng giả mạo chứng chỉ cơ quan Nhà nước cấp.
Doanh nghiệp Xuân Trường từng nhiều lần bị kiểm toán nhà nước đưa vào danh mục kiểm tra, đối chiếu thuế vì công ty không nộp báo cáo tài chính liên tục trong nhiều năm, nợ tiền thuê đất hàng chục tỷ. Năm 2019, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Hà Nam công bố sai phạm tại núi Cật Vượng, huyện Kim Bảng, Hà Nam cho thấy sau khi khai thác Xuân Trường không thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.
Chưa dừng lại, cách đây 3 năm (năm 2020) Xuân Trường cũng bị buộc phải nộp lại nhiều tỷ đồng tiền hưởng chênh lệch sau khi Thanh tra Chính phủ có kết luận thanh tra về công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, khai thác tài nguyên khoáng sản của tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006- 2017.