Trong bối cảnh toàn cầu hóa và giao thương giữa các quốc gia trên thế giới ngày càng phát triển, nhu cầu của thị trường lao động đối với nghề phiên dịch cũng vì thế mà gia tăng.
Vốn được coi là một nghề “ngồi mát ăn bát vàng” nhưng thực tế, chỉ có những người trong nghề mới hiểu rằng nghề phiên dịch cũng phải đối mặt với vô vàn thử thách. Bên cạnh trình độ ngoại ngữ ở mức thông thạo, người làm nghề phiên dịch cũng cần tới những kỹ năng khác cũng quan trọng không kém nếu muốn làm tốt công việc của mình.
Nếu bạn có ý định dấn thân vào con đường trở thành phiên dịch viên, thì đây là các kỹ năng rất cần thiết mà bạn có thể tìm thấy trong bất kỳ mẫu CV xin việc phiên dịch nào. Điều này có nghĩa rằng bạn cần trau dồi, rèn luyện các kỹ năng này để có thể trụ vững và tiến xa với nghề.
Khả năng ứng biến, phản ứng nhanh
Hầu hết thời gian, người phiên dịch làm việc trong bối cảnh cụ thể với một đoạn hội thoại, thông tin do chủ thể ngôn ngữ đưa ra. Họ cần nhanh chóng nắm bắt được nội dung đó và chuyển thể sang ngôn ngữ của người nghe. Điều này cần đến khả năng ứng biến, phản ứng mau lẹ, tức thì.
Không chỉ có vậy, có vô số những tình huống khó đoán định khác có thể xảy ra khi họ đang “tác nghiệp” như tiếng ồn bất chợt khiến người phiên dịch không nghe thấy, bỗng dưng “quên” một từ khóa quan trọng... Cũng cần lưu ý rằng hầu hết những lần tác nghiệp của phiên dịch viên nằm trong những bối cảnh khá trang trọng.
Vì thế, sự bối rối hoặc luống cuống của người phiên dịch có thể cản trở hoặc gây tác động xấu đến diễn tiến của sự kiện. Với áp lực tâm lý như vậy, họ cần hết sức tập trung, tỉnh táo và bình tĩnh làm việc để có thể ứng phó nhanh với mọi tình huống bất ngờ xảy ra.
Kỹ năng giao tiếp, đối ngoại
Môi trường làm việc của phiên dịch viên không chỉ gói gọn trên bàn họp, mà họ cần phải tác nghiệp trong những buổi tiệc chiêu đãi, những bữa tối mang tính xã giao, thậm chí là bất cứ nơi nào mà khách hàng của họ yêu cầu. Lúc này, kỹ năng giao tiếp, đối ngoại mới là thứ khiến phiên dịch viên trở nên tỏa sáng.
Nếu để ý quan sát, bạn sẽ thấy những phiên dịch viên giỏi là những bậc thầy về giao tiếp khôn khéo và khả năng đối ngoại. Họ biết cách tạo bầu không khí vui vẻ, thân mật, biết cách chăm sóc khách hàng và đối tác một cách tinh tế, từ đó khiến cuộc đàm phán trở nên thuận lợi hơn. Thậm chí, có những phiên dịch viên trở thành nhân tố “không thể thay thế” đối với khách hàng và đương nhiên, họ sẽ được trả thù lao rất hậu hĩnh cho sự lịch thiệp của mình.
Sự am hiểu văn hóa bản địa
Một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng khác khi làm nghề phiên dịch đó chính là sự am hiểu phong tục, văn hóa bản địa. Trong khi một số quốc gia có xu hướng mở, thoải mái và dễ dàng bỏ qua những lỗi sai do cách biệt văn hóa, một số quốc gia khác lại rất khắt khe với điều này. Một phiên dịch viên giỏi luôn phải nắm bắt tường tận những điều kiêng kỵ, những việc nên tránh về phong tục, cũng như những nét đặc sắc về văn hóa của quốc gia mà họ tác nghiệp.
Thông thạo cả giọng địa phương
Khi là một phiên dịch viên có kinh nghiệm lâu năm, bạn sẽ phải quen dần với những tình huống khi đối tác nói giọng địa phương với âm điệu lạ, gây ra rất nhiều khó khăn trong quá trình tác nghiệp. Hãy tưởng tượng đối tác của bạn đến từ vùng có phương ngữ hiếm gặp, bạn sẽ gặp rắc rối vì đôi lúc không hiểu họ nói gì.
Trong những trường hợp này, người phiên dịch cần có sự chuẩn bị, nghiên cứu từ trước và tìm mọi cách để “nghe quen giọng” đối tác của họ. Giọng địa phương chính là một thử thách mà phiên dịch viên cần phải vượt qua, và đó chính là điểm phân biệt họ với những người làm việc liên quan tới ngoại ngữ khác.
Bạn có thể thấy rằng, nghề phiên dịch không khó để tham gia nhưng lại không dễ để trở nên chuyên nghiệp và xuất sắc. Bạn cần tới nhiều năm trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng, tiếp xúc thường xuyên với ngôn ngữ, sống cùng văn hóa bản địa để có thể trở thành một “cầu nối” đúng nghĩa giữa khách hàng và đối tác về mọi mặt. Đây cũng được coi là một nghề thú vị, nhiều trải nghiệm và sẽ đem lại cho bạn nhiều kỷ niệm đáng nhớ, rất đáng để bạn thử sức.
Ngân Linh