Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

30% học sinh mắc cong vẹo cột sống: Chuyên gia chỉ ra 2 hậu quả đáng lo ngại

  • Mộc Trà
(DS&PL) -

Tại Việt Nam, tình trạng dáng xấu, cong vẹo cột sống, dị tật bàn chân ngày càng tăng cao, chiếm 30% bệnh tật ở lứa tuổi học đường.

ThS.BS Calvin Q.Trịnh, Giám đốc Đơn vị Phục hồi chức năng và hình thể chuẩn Mỹ (HMR) cho biết, trẻ em ngày nay sử dụng thiết bị điện tử sớm và thường xuyên. Điều này dẫn đến hình thái cột sống thay đổi gây ra các tật xấu kèm theo như gù cột sống, đây cũng là tình trạng khá phổ biến ở người lớn dẫn đến đau cổ vai gáy.

Ngoài ra, còn có tình trạng dị tật bàn chân như bàn chân bẹt, bàn chân khoèo, chân cao chân thấp,… Đặc điểm là hai bên gót chân, cổ chân hoặc khớp gối sẽ không đều nhau. Trong khi đó, bàn chân là nền móng của cả cơ thể nếu bàn chân lệch vẹo bé sẽ không thể đi đứng bình thường.

ThS.BS Calvin Q.Trịnh cho biết, có 2 hậu quả về vẹo cột sống: Đầu tiên là dị dạng hình thể sẽ để lại di chứng nặng nề đối với tinh thần của trẻ như trầm cảm, tự ti, thu mình lại.

Thứ hai là di chứng về chức năng dẫn đến cột sống hạn chế vận động, không chơi thể thao được. Bên cạnh đó, còn có những hạn chế về hô hấp. Cong vẹo cột sống làm lồng ngực biến dạng dẫn đến không thở được, nếu nặng sẽ hạn chế về chức năng của các cơ quan khác như tim mạch, tiêu hóa,… về lâu dài gây đau, thậm chí lệch đốt sống dẫn đến liệt.

Nhiều trẻ em trong lứa tuổi học đường mắc cong vẹo cột sống

"Cơ thể chúng ta gồm đa khớp xếp chồng lên nhau, một dị tật ở dưới thấp sẽ điều chỉnh các khớp trên cao để giữ trọng tâm cho cơ thể, dẫn đến kéo lệch vẹo toàn bộ cơ thể. Cột sống dựa trên khung chậu, nếu cột sống nghiêng khung chậu sẽ bị nghiêng. Vì vậy, khi chữa dị dạng hình thể không chỉ tầm soát cột sống mà phải tầm soát từ bàn chân, đi từ gốc đến ngọn", BS Calvin Q.Trịnh cho hay.

Theo vị chuyên gia, một số phụ huynh vì bận rộn, lo cơm áo gạo tiền, nên đôi khi ít quan tâm đến con hoặc có những quan niệm sai lầm dẫn đến tình trạng của trẻ trầm trọng hơn.

Ví dụ như phụ huynh nghĩ chỉ cần cho con mang đế giày chỉnh hình sẽ khắc phục được tình trạng bàn chân bẹt. Tuy nhiên, bàn chân bẹt là tình trạng 2 gót chân vẹo ngoài, một bên vẹo nhiều một bên vẹo ít. Nếu mua đế giày với thiết kế hai bên bằng nhau, thì khi trẻ mang vào vẫn gây bất đối xứng khung chậu, nghiêng khung chậu.

Để khắc phục tình trạng cong vẹo cột sống do bàn chân bẹt, BS Calvin Q. Trịnh cho rằng phải điều chỉnh từ khớp cổ chân, khớp gối, khớp hông mới đến cột sống. Trường hợp sử dụng đế giày chỉnh hình phải có sự tư vấn của bác sĩ với thiết kế được điều chỉnh theo từng mức độ của bé.

Bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng Calvin Q. Trịnh

"Đế giày chỉnh hình, áo nẹp cột sống chỉ hỗ trợ điều trị chứ không quyết định điều trị, trong một số trường hợp các sản phẩm này không mang lại hiệu quả. Phụ huynh nên là người tiêu dùng thông thái, tìm hiểu kiến thức qua các trang uy tín, chính thống, các nghiên cứu khoa học. Không nên xem quảng cáo trên mạng và tin theo đôi khi sẽ dẫn đến hậu quả không sửa chữa được, điều này hết sức nguy hiểm.

Độ tuổi thích hợp để nắn chỉnh cơ xương khớp là từ 8 tuổi đến khoảng 12 tuổi. Vì nhỏ hơn các bé sẽ khó hợp tác, với độ tuổi lớn hơn xương khớp đã phát triển sẽ không nắn chỉnh được nữa. Do đó, phải phát hiện và điều trị sớm trước tuổi dậy thì. Nếu điều trị muộn cột sống sẽ biến dạng, khi đó phẫu thuật sẽ rất nặng nề, gây khó khăn cho tương lai của trẻ", chuyên gia nhấn mạnh.

Tin nổi bật