Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

3 bị can liên quan vụ nguyên Chủ tịch TP Hạ Long bị bắt đối diện mức án nào?

(DS&PL) -

Bị bắt để điều tra về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ba cựu cán bộ của Công ty Cổ phần quản lý đường thủy Quảng Ninh có thể phải đối mặt với án tù dài.

Liên quan tới vụ nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hạ Long, nguyên Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long Phạm Hồng Hà bị bắt, mới đây, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh vừa ra Quyết định khởi tố, bắt tạm giam ba bị can Đoàn Văn Vinh, Nguyễn Mạnh Hùng và Lê Quốc Luyện, nguyên là cán bộ của Công ty Cổ phần quản lý đường thủy Quảng Ninh để điều tra về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đến nay đã có 12 người bị khởi tố liên quan vụ án xảy ra tại Công ty CP Quản lý đường sông số 3, tỉnh Quảng Ninh.

Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Ngô Thạnh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nhận định đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ gây thiệt hại tài sản cho nhà nước, vi phạm về quản lý kinh tế và lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà còn gây mất niềm tin của nhân dân vào một bộ phận đội ngũ lãnh đạo, cán bộ biến chất, tham ô, tham nhũng.

Vụ án có liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân và nhiều người đã bị khởi tố, điều tra về các tội danh khác nhau như tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Nhận hối lộ, xảy ra tại Công ty CP quản lý đường sông số 3 và Ban quản lý vịnh Hạ Long.

Luật sư Ngô Thạnh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

Đối với 3 bị can liên quan trong vụ án này vừa bị khởi tố là bị can Đoàn Văn Vinh, Nguyễn Mạnh Hùng và Lê Quốc Luyện, nguyên là cán bộ của Công ty Cổ phần quản lý đường thủy Quảng Ninh để điều tra về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Luật sư Thạnh phân tích: Lừa đảo là hành vi được thực hiện phổ biến hiện nay nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác bằng các thủ đoạn gian dối. Tội phạm về lừa đảo chiếm đoạt tài sản không chỉ gây thiệt hại về tài sản cho nhà nước, xã hội và công dân mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình trật tự an toàn xã hội.

Chiếu theo quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015, người nào phạm tội này, nhẹ thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; nặng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân khi “Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên”.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Luật sư Thạnh nói thêm: Trong quá trình điều tra vụ án hình sự, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ các tài sản do phạm tội mà có, những vật chứng của vụ án để tiến hành niêm phong, kê biên để xử lý theo quy định của pháp luật.

Khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định, vật chứng được xử lý như sau: Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy; Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước; Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.

"Như vậy, trong vụ án này, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tiến hành điều tra để không bỏ lọt tội phạm cũng như cần tiến hành các thủ tục tố tụng cần thiết để xử lý các bị can theo đúng quy định pháp luật", Luật sư Thạnh phát biểu.

T.V

Tin nổi bật