Tạp chí Wprost mới đây dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz cho biết nước này và Đức đã đồng ý thành lập một "liên minh xe bọc thép" để hỗ trợ năng lực phòng thủ của Ukraine.
Sáng kiến này được ông Kosiniak-Kamysz công bố sau cuộc hội đàm tại thủ đô Warsaw với người Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius và sẽ chính thức bắt đầu hoạt động vào ngày 26/3. Các thành viên tham gia liên minh sẽ tập trung vào việc trang bị xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan cho hay một số quốc gia khác đã đăng ký tham gia liên minh nhưng không tiết lộ chi tiết cụ thể về ý nghĩa của điều này đối với Kiev, bao gồm cả việc liệu họ có sớm gửi thêm xe bọc thép và xe tăng tới Ukraine hay không.
Đức và Ba Lan thành lập liên minh xe bọc thép hỗ trợ Ukraine. Ảnh: Getty Images
“Đây là một trong những liên minh quan trọng nhất đã được thành lập; chúng tôi (Ba Lan và Đức) là 2 quốc gia dẫn đầu dự án này, các đối tác khác đã đăng ký tham gia, chẳng hạn như Anh, Thụy Điển và Ý”, ông Kosiniak-Kamysz nói thêm.
Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã liên tục rót viện trợ tài chính cũng như quân sự dành cho Kiev bất chấp lời cảnh báo từ Moscow rằng điều này sẽ không thể thay đổi cục diện chiến sự mà chỉ khiến căng thẳng giữa các bên thêm leo thang.
Tuy nhiên, Ukraine hiện vẫn đang phải vật lộn với tình trạng thiếu đạn dược và vũ khí do viện trợ từ phương Tây, đặc biệt là Mỹ đang có dấu hiệu chững lại. Các binh sĩ Ukraine nói rằng họ không thể tấn công các mục tiêu của Nga vì không có đủ đạn dược cần thiết.
Vào tháng 1, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho biết lực lượng của ông chỉ có thể sử dụng lượng đạn pháo bằng 1/3 số lượng mà Nga có thể bắn hàng ngày. Tình trạng thiếu hụt đạn dược cũng được cho là nguyên nhân khiến Ukraine buộc phải rút lui khỏi Avdiivka – một thành phố quan trọng ở tỉnh Donetsk vào tháng trước.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ nhận định sự chậm trễ trong việc cung cấp viện trợ an ninh của phương Tây dành cho Ukraine đã giúp Nga tiến hành các hoạt động tấn công trên nhiều mặt trận cùng một lúc nhằm gây áp lực lên lực lượng Ukraine.
Sau khi để mất Avdiivka, các lực lượng Ukraine đã thiết lập các tuyến phòng thủ mới không xa thành phố này. Giống như một số nước phương Tây đã phân tích, ISW nhấn mạnh rằng Ukraine sẽ phải nhận về thiệt hại đáng kể nếu quân đội nước này chỉ tập trung đào hào, xây dựng phòng tuyến và cố gắng phòng thủ cho đến cuối năm 2024.
Phương Uyên (Theo Business Insider và Kyiv Independent)