Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

100 ngày cuộc chiến chống Covid-19: Đừng chủ quan!

(DS&PL) -

Nhìn vào những kết quả trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam, các chuyên gia y tế cho rằng chúng ta tuyệt đối không nên chủ quan, lơ là.

Ngày 2/5, đúng 100 ngày kể từ khi Việt Nam phát hiện ca bệnh đầu tiên vào ngày 23/1/2020. Cho đến thời điểm này tổng số ca bệnh được phát hiện là 270, trong đó có 130 ca mắc được cách ly sau khi nhập cảnh. Đã có 219 ca khỏi bệnh, 51 ca bệnh đang điều trị ở các cơ sở y tế, chưa có ca tử vong. Nhìn vào những kết quả trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam, các chuyên gia y tế cho rằng chúng ta vui mừng nhưng tuyệt đối không nên chủ quan, lơ là.

PGS.TS Trần Đắc Phu.

Sự vào cuộc kịp thời, đúng lúc và quyết liệt

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, tính đến ngày 2/5 có gần 3,5 triệu người mắc, cướp đi sinh mạng của gần 245 nghìn người. Chưa hết, nó còn đe dọa đến tình hình kinh tế toàn thế giới. Đ

ánh giá về những biện pháp mà Việt Nam đã thực hiện trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 100 ngày qua, trao đổi với phóng viên ĐS&PL, PGS.TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng (bộ Y tế) - cho biết: “Thời gian qua, việc chống dịch của Việt Nam rất thành công, không để cho nguồn bệnh lây lan bằng biện pháp cách ly tất cả những người nhập cảnh. Thêm nữa, các ổ dịch lây từ cộng đồng đều được khoanh vùng, xử lý triệt để, không có ca mắc mới. Đồng thời, việc thực hiện giãn cách xã hội rất kịp thời, đúng lúc”.

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đắc Phu cũng dẫn lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rằng “tình hình dịch còn có những diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch bệnh còn”, có thể là những người từ nước ngoài về, nếu không cách ly triệt để có nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Liên quan đến việc nhiều người quan tâm Việt Nam có thể công bố hết dịch khi không ghi nhận ca mắc mới trong những ngày tới, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, tình hình dịch bệnh trên thế giới còn rất phức tạp, kéo dài, nên chưa thể nói trước được.

Cũng chia sẻ với PV, TS Đặng Quang Tấn - Phó Cục trưởng Phụ trách cục Y tế dự phòng (bộ Y tế)- nhận định: “Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, ban Chỉ đạo quốc gia đã chỉ đạo hết sức quyết liệt, đồng bộ những biện pháp phòng, chống dịch, cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành vào cuộc và người dân đồng lòng ủng hộ. Đó là sức mạnh tạo nên những kết quả đáng mừng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19”.

“Thành công nhưng không chủ quan”

Cuộc chiến chống dịch COVID-19 ở nước ta đến nay được coi là cơ bản đã kiểm soát tốt. Thế nhưng những ngày nghỉ lễ vừa qua, có thể thấy nhiều người dân thờ ơ không đeo khẩu trang, hay tập trung đông nghịt người tắm biển, Ông Đặng Quang Tấn nhấn mạnh: “Mặc dù chúng ta đã ghi nhận được những kết quả đáng mừng nhưng tình hình dịch bệnh vẫn có những diễn biến phức tạp, nên người dân không được chủ quan, tích cực thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn, khuyến cáo của bộ Y tế, ban Chỉ đạo”.

Ông Trần Đắc Phu lưu ý thêm: Giãn cách xã hội giúp ngăn ngừa người lành không tiếp xúc với người bệnh và ngược lại. Nhưng, chúng ta không thể ngăn cấm tất cả mọi người tiếp xúc với nhau, nhất là người chưa có triệu chứng và chưa đến bệnh viện thăm khám, mặc dù số lượng này rất nhỏ, nhưng vẫn có thể thành các ổ dịch nhỏ.

“Hiện nay, chúng ta không thể nắm chắc được trong cộng đồng đã hết hẳn 100% ca bệnh hay chưa nên còn tiềm ẩn những nguy cơ. Vì vậy, trong thời gian này, chúng ta phải sống chung với dịch, sống chung sao cho an toàn” - Ông Phu nói.

“Những thành công trong thời gian vừa qua, chúng ta ghi nhận nhưng không thể có tư tưởng chủ quan, bởi dịch bệnh còn có những diễn biến rất phức tạp”, ông Phu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Phu cũng khuyến cáo: “Học sinh đi học thì đeo khẩu trang, rửa tay, ngồi giãn cách; Các xí nghiệp cũng phải thực hiện những biện pháp chống dịch theo quy định. Người dân không chủ quan, thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo từ ngành y tế như đeo khẩu trang, rửa tay, khử khuẩn, không giao tiếp gần, không tụ tập đông người, hạn chế ra ngoài. Đặc biệt, những người già, người mắc bệnh mãn tính ở thời điểm này không nên ra ngoài, đồng thời thực hiện khai báo y tế...”.

Thanh Lam

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 3 (72)

Tin nổi bật