Trong 6 năm thành lập và phát triển, Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia đã vận động và thu hút hơn 30.000 người đăng ký hiến tặng mô tạng, trong đó, riêng từ đầu năm 2019 đến nay, đã có 10.000 người tham gia.
Theo tin từ VOV, nhằm tri ân những con người cao cả và những gia đình đã tình nguyện hiến tặng mô, tạng mang lại cơ hội sống cho nhiều người khác, tối 21/11, Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, Bộ Y tế đã tổ chức buổi lễ tri ân người hiến tặng mô tạng với chủ đề: “Trao tặng yêu thương – Nối dài sự sống”.
Được biết, trong 6 năm thành lập và phát triển, Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia đã vận động và thu hút hơn 30.000 người đăng ký hiến tặng mô tạng. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, đã có 10.000 người tham gia.
Lãnh đạo Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia tặng hoa cho đại diện các gia đình có người thân hiến tặng giác mạc, tạng. Ảnh: Gia đình & Xã hội |
Chia sẻ tại buổi lễ tri ân, GS.TS Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Điều phối Ghép tạng Quốc gia cho biết, để thực hiện thành công ca ghép tạng cần có 4 yếu tố: Chuẩn người cho, chuẩn bị người nhận, chuẩn bị nhân lực kỹ thuật, theo dõi và chăm sóc sau ghép. Hiện nay, Việt Nam đã thực hiện 3 khâu rất tốt với 20 trung tâm ghép tạng gồm cả tại bệnh viện tỉnh, huyện đều có thể chăm sóc người sau ghép tốt. Tuy nhiên, khâu người hiến tặng mô, tạng đang là vấn đề lớn của ngành ghép tạng, bởi nhiều người vẫn không bỏ qua được suy nghĩ phải chôn nguyên vẹn.
“Người Việt Nam rất nhân văn, có thể cho sống dù không cùng huyết thống. Những năm qua, có nhiều gia đình đã quyết định hiến tặng mô tạng của con mình, chồng mình khi không may người thân của họ bị chết não. Tôi vô cùng cảm động và xin được tri ân với gia đình những người hiến tặng mô, tạng để cứu những người bệnh mà chúng tôi không thể cứu”- GS.TS Trịnh Hồng Sơn cho biết.
Tại buổi lễ, chương trình đã dành thời gian tri ân những người đã hiến tặng mô tạng để cứu những bệnh nhân đang trong cơn nguy kịch. Đó là gia đình anh Nguyễn Xuân Hải; mẹ của bé Hải An; đại diện gia đình cụ Lê Xuân Cựu và thiếu tá Lê Hải Ninh; 2 mẹ con chị Lê Thị Thảo và con gái Bùi Thị Hòa; đại diện gia đình sư thầy Nguyễn Văn Hùng và thầy Thích Đạo Cảnh; đại diện gia đình anh Võ Văn Soái; Nguyễn Văn Chính, Phạm Tuấn Anh; cô Nguyễn Thị Luật; anh Nguyễn Hồng Dương…
Cũng trong dịp này, Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia đã tổ chức trao giải cho 11 tác phẩm đoạt giải tại cuộc thi “Trao tặng yêu thương – Nối dài sự sống”. Cuộc thi được phát động từ ngày 22/8/2019 và đã nhận được hơn 100 tác phẩm dự thi viết về hiến tặng mô, tạng, góp phần lan tỏa giá trị nhân văn "Cho đi là còn mãi".
Cũng tại chương trình, Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia đã công bố giải thưởng tại cuộc thi "Trao tặng yêu thương – Nối dài sự sống" và trao tặng cho 11 tác giả đã có bài viết xuất sắc về đề tài hiến tặng mô tạng cũng như kêu gọi sự ủng hộ cho trẻ em nghèo được có cơ hội ghép tạng. Theo Ban tổ chức, sau hơn 3 tháng phát động đã nhận được hơn 100 bài viết từ khắp mọi miền tổ quốc. Ban tổ chức đã chấm hai vòng và quyết định lựa chọn 11 tác phẩm để trao 1 giải Nhất; 2 giải Nhì; 3 giải Ba và 5 giải khuyến khích.
Chia sẻ thêm với Gia đình & Xã hội về các tác phẩm đạt giải, BS Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia bày tỏ: "Mỗi bài viết tham dự cuộc thi là một câu chuyện rất đời sống đầy xúc động. Đó là câu chuyện của chính người trong cuộc, đã có lúc họ nghĩ mình không còn cơ hội được sống nữa trước gánh nặng bệnh tật, nhưng nhờ nguồn tạng hiến của người thân hay của người chết não mà họ được trở lại cuộc sống hạnh phúc.
Đó còn là câu chuyện của người cha, người mẹ đau xót nhìn con mình chưa đầy 10 tháng tuổi đối mặt với ung thư gan mà con đường sống duy nhất là ghép gan… nhưng rồi sự sống lại vỡ òa trong hạnh phúc khi đứa trẻ được ghép gan thành công từ chính một phần gan của người thân. Hay những câu chuyện từ những chuyến bay dân dụng đi khắp các miền Bắc Trung Nam chuyên chở nguồn tạng hiến đem sự sống hồi sinh cho biết bao sinh mạng người mắc bạo bệnh… Mỗi câu chuyện như thêm lan tỏa thông điệp cho đi là còn mãi".
Vũ Đậu (T/h)