Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

10 năm công tác, thiệt hại gần 10.000 tỷ: "Dấu ấn riêng" của ông Đinh La Thăng

(DS&PL) -

Bị cáo buộc trong dự án Ethanol Phú Thọ hiện đang xét xử, trước đó, ông Đinh La Thăng từng chịu trách nhiệm vì gây ra thất thoát cho Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng.

Bị cáo buộc trong dự án Ethanol Phú Thọ hiện đang xét xử, trước đó, ông Đinh La Thăng từng chịu trách nhiệm vì gây ra thất thoát cho Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng.

Dự án Ethanol Phú Thọ dang dở thiệt hại 543 tỷ đồng

Ông Đinh La Thăng bị cáo buộc cùng thuộc cấp "đốt" 543 tỷ đồng tại Ethanol Phú Thọ.

TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa xét xử 12 bị cáo trong vụ án Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại dự án nhà máy nhiên liệu sinh học (Ethanol) Phú Thọ diễn ra từ ngày 8/3.

Sai phạm của ông Đinh La Thăng xảy ra khi còn đương chức Chủ tịch tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN). Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, ngày 17/7/2007, Hội đồng quản trị PVN ra Nghị quyết giao cho Tổng Giám đốc PVN xây dựng đề án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất Ethanol nhiên liệu ở khu vực phía Bắc.

Thực hiện nghị quyết này, công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiêu liệu sinh học Dầu khí (PVB) được thành lập để làm chủ đầu tư dự án xây dựng Nhà máy sản xuất Ethanol nhiên liệu khu vực phía Bắc.

Tháng 9/2008, PVB có quyết định phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển gói thầu TK05. Thời điểm đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã ký văn bản gửi PVB đề nghị hạ một số tiêu chí đánh giá về năng lực kỹ thuật, năng lực tài chính, kinh nghiệm nhà thầu nhưng không được PVB chấp thuận. Tiếp đó PVC đã thành lập Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T để nộp hồ sơ dự tuyển gói thầu này.

Mặc dù biết PVC chưa từng thực hiện dự án nào về lĩnh vực Ethanol, nhưng bị cáo Đinh La Thăng và Trần Thị Bình (khi đó là Phó Tổng Giám đốc PVN) đã chủ trì nhiều cuộc họp để định hướng, chỉ đạo PVB, PVC hoàn tất thủ tục chỉ định thầu và ký hợp đồng với Liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta- T.

Theo chỉ đạo, PVB đã không tổ chức đấu thầu theo kế hoạch mà lập hồ sơ để chỉ định thầu cho Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T. Do không đủ năng lực và trình độ nên Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T đã khiến Dự án Ethanol Phú Thọ liên tục bị chậm tiến độ.

Tháng 3/2013, PVC đơn phương dừng thi công dự án và chưa có hạng mục nào hoàn thành với lý do tài chính, chưa có kinh nghiệm xử lý các giao diện về mặt công nghệ.

Cáo trạng xác định, hậu quả từ hành vi làm trái các quy định của các bị cáo trong vụ án đã gây ra thiệt hại cho PVB tổng số tiền hơn 543 tỷ đồng.

Trước cáo buộc này, ông Thăng thừa nhận có chủ trì cuộc họp, song cho rằng PVB phải có trách nhiệm báo cáo việc này. "Bị cáo chỉ đôn đốc về tiến độ, còn các nội dung khác thì theo quy định, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm", ông Thăng nói.

Dự án cao tốc Trung Lương - TP.HCM 725 tỷ đồng

Sai phạm của ông Đinh La Thăng xảy ra khi đương chức Bộ trưởng GTVT giai đoạn từ tháng 8/2011 đến 2/2016.

Theo cáo trạng, dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương do bộ GTVT làm chủ đầu tư, ứng ngân sách Nhà nước hơn 9.800 tỷ đồng để triển khai, nên việc bán quyền thu phí là bán tài sản Nhà nước.

Với vai trò Bộ trưởng, là người đứng đầu được giao quản lý tài sản trong đó có quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương tại bộ GTVT, ông Thăng đã ký văn bản số 7331 đề nghị tìm kiếm đối tác để bán quyền thu phí. Tháng 2/2012, sau khi Thủ tướng có văn bản đồng ý chủ trương cho bán quyền thu phí, ông Thăng đã điện thoại chỉ đạo Dương Tuấn Minh (nguyên Tổng giám đốc tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long) để công ty của Đinh Ngọc Hệ (kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính) mua được quyền thu phí.

Đến cuối tháng 12/2013, công ty Yên Khánh do Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc") thành lập được công bố trúng thầu mua quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương 5 năm (từ 1/1/2014 – 1/1/2019) với giá hơn 2.004 tỷ đồng.

Theo cơ quan điều tra, sau khi trúng đấu giá quyền thu phí, nhờ sự "giúp đỡ" của ông Thăng, Út "trọc" đã chiếm đoạt, hưởng lợi tổng cộng 725 tỷ đồng của Nhà nước.

Dựa trên kết luận điều tra số 49/KLĐT-CSKT-P9 của cơ quan CSĐT bộ Công an, ông Đinh La Thăng bị đề nghị truy tố trên cương vị làm Bộ trưởng bộ GTVT, về tội Vi phạm quy định về sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí, theo khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung 2017) với vai trò cầm đầu.

HĐXX tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 10 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Dự án PVN mất 800 tỷ khi đầu tư vào Oceanbank

Bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị/Hội đồng Thành viên PVN trả lời trước Hội đồng xét xử.

Trong vụ án này, ông Thăng bị TAND TP.Hà Nội xử phạt 13 năm tù. Các đồng phạm của ông Thăng tuỳ theo mức độ phạm tội mà phải nhận hình phạt tương xứng với hành vi.

Sau khi PVN không được thành lập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hồng Việt, bị cáo Đinh La Thăng khi đó với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN đã chỉ đạo bị cáo Nguyễn Xuân Sơn làm việc với một số tổ chức tín dụng để thỏa thuận việc góp vốn, trong đó có ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) nhưng không thông qua Hội đồng quản trị PVN.

PVN đã nhiều lần góp vốn với tổng số 800 tỷ đồng vào Oceanbank. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền 800 tỷ đồng này của PVN đến nay đã bị mất hoàn toàn khi Oceanbank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước mua lại Oceanbank với giá 0 đồng.

Liên minh "ma" với Hà Văn Thắm biến Oceanbank thành "sân sau" thao túng tiền bạc của PVN, cùng những sai phạm tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 khiến ông Đinh La Thăng cùng thuộc cấp bị khởi tố.

Với tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, HĐXX đã tuyên án phạt bị cáo Đinh La Thăng 18 năm tù.

119 tỷ đồng ở dự án Nhiệt điện Thái Bình 2

Cú "sa bút" ở dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 khiến cựu Chủ tịch PVN Đinh La Thăng vướng vòng lao lý.

Với vai trò là người đứng đầu, trong quá trình thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo ký hợp đồng trái quy định gây thiệt hại 119 tỷ đồng của Nhà nước (là tiền lãi ngân hàng tối thiểu đối với khoản đầu tư sai mục đích).

Trong quá trình thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 (NMNĐ Thái Bình 2), ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PVPower ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định.

Sau đó, ông Thăng chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban quản lý dự án, căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1,3 nghìn tỷ đồng cho PVC để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1,1 nghìn tỷ đồng sai mục đích, không đưa vào dự án NMNĐ Thái Bình 2 gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền là hơn 100 tỷ đồng.

Trong quá trình điều tra, ông Đinh La Thăng thừa nhận có sai phạm trong việc chỉ đạo thực hiện dự án NMNĐ Thái Bình 2 với tư cách là người đứng đầu. Ông Thăng có nhiều thành tích trong quá trình công tác là tình tiết để xem xét khi quyết định đúng hình phạt.

Trước đó, ngày 26/12/2017, VKSND Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐTV tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) cùng 20 bị can trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản theo Điều 165 và Điều 278, Bộ luật Hình sự năm 1999.

HĐXX đã tuyên án phạt bị cáo Đinh La Thăng 13 năm tù giam về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cấm quản lý các chức vụ về quản lý tài chính, kinh doanh Nhà nước 5 năm sau tù.

Dự án xơ sợi Đình Vũ - Hải Phòng "đắp chiếu"

Dự án xơ sợi Đình Vũ – Hải Phòng được đầu tư năm 2008. Theo Thanh tra Chính phủ, kết quả sản xuất của dự án xơ sợi Đình Vũ từ chạy thử đến khi chính thức hoạt động đều liên tục lỗ.

Theo Thanh tra Chính phủ, việc đầu tư xây dựng dự án Xơ sợi Đình Vũ là cú bắt tay của PVN và Vinatex, một pháp nhân đã được hai bên lập ra để quản lý dự án là công ty CP hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex).

PVTex chính thức hoạt động từ năm 2008 với số vốn điều lệ ban đầu 160 tỷ đồng, trong đó PVN là cổ đông sáng lập góp vốn 39%. Sau nhiều lần tăng vốn điều lệ và thoái vốn của một số cổ đông, đến 31/12/2014, vốn điều lệ của PVTex là 1.996 tỷ đồng, với các cổ đông chính là PVN, tổng công ty Phân bón và hoá chất Dầu khí (PVFCCo) và ông Phan Anh Tuấn.

Mặc dù đã thỏa thuận góp vốn nhưng trên thực chất, Vinatex không có tiền, cũng không có năng lực tài chính, nên PVN đã hào phóng ôm lại toàn bộ cổ phần từ Vinatex và các cổ đông. Tính đến cuối năm 2014, toàn bộ 100% vốn góp tại PVTex là của PVN.

Sau khi ổn định "nhân sự", đến tháng 10/2008, HĐQT PVTex đã ban hành quyết định phê duyệt Dự án khả thi với tổng mức đầu tư 324,8 triệu USD (tương đương hơn 5,4 nghìn tỷ đồng theo tỷ giá tại thời điểm đó).

Tuy nhiên, đến khi nghiệm thu sơ bộ (8/2013), giá trị thanh toán tại dự án này đã đội lên thành 363 triệu USD.

Cụ thể, năm 2012 lỗ hơn 21 tỷ đồng; năm 2013 lỗ 366 tỷ đồng và năm 2014 lỗ 1.085 tỷ đồng. Tổng số lỗ trong 3 năm là 1.472 tỷ đồng. Còn tổng số lỗ tính đến ngày 31/3/2015 đã lên tới 1.732 tỷ đồng.

Theo tính toán lại của PVTex, thời gian thu hồi vốn lên tới gần 23 năm. Đến cuối năm 2015, nhà máy xơ sợi trị giá nghìn tỷ đã phải dừng hoạt động vì không cải thiện được tình hoạt động kinh doanh bết bát.

Do lỗ nặng nên nhà máy chạy phập phù và nhiều lần phải "đắp chiếu", đến cuối năm 2015 thì dừng hẳn.

Hậu quả, Vinatex là đơn vị chuyên ngành về xơ sợi đã "bỏ của chạy lấy người", bỏ luôn các cam kết về tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ kinh nghiệm đầu tư xây dựng dự án. PVN phải lần mò tìm đầu ra sản phẩm, đồng thời phải gánh chịu toàn bộ khoản công nợ đã vay đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng và khoản lỗ 1.472 tỷ đồng.

Ông Đinh La Thăng có 5 năm công tác tại tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (từ năm 2006 - 2011) với các chức vụ: Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTV tập đoàn PVN. Từ tháng 12/2008, tại kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XIII, ông Đinh La Thăng được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng bộ GTVT.

Tháng 4/2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng bộ GTVT đối với ông Đinh La Thăng vì “ những sai phạm trong quá trình công tác.

Minh Anh

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 7 (11)

Tin nổi bật